Hướng dẫn phân biệt dễ dàng 6 loại bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ
Ngay cả người lớn chúng ta đôi khi cũng khó xác định vấn đề mà làn da đang gặp phải. Đó là do mỗi người có một làn da khác nhau và hiện tượng phát ban, mụn trứng cá bùng phát hay rôm sảy có thể khác nhau. Đối với trẻ nhỏ, chúng không thể diễn đạt chính xác cảm giác của mình vì vậy bạn sẽ phải tìm hiểu những thông tin cần thiết để nhận biết, phân biệt các bệnh lý ngoài da để giúp trẻ.
>>> Trẻ sơ sinh có được dùng thuốc Genskinol trị chàm không?
>>> Viêm da ở trẻ sơ sinh phải làm sao? Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Đọc ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu một số vấn đề về da xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh và cách điều trị ngay tại nhà.
1. Mụn trứng cá
Mụn trứng cá thường phát triển khoảng từ hai đến bốn tuần sau khi sinh. Những vết sưng nhỏ màu đỏ hoặc trắng sẽ xuất hiện trên má, mũi và trán của em bé.
Nguyên nhân chưa được xác định. Tuy nhiên, mụn trứng cá ở trẻ nhỏ thường tự biến mất trong khoảng ba đến bốn tháng sau sinh mà không để lại dấu vết gì.
Bé bị mụn trứng cá.
Để điều trị mụn trứng cá cho bé, phụ huynh không nên sử dụng bất kỳ sản phẩm trị mụn nào mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Tự ý mua thuốc điều trị có thể làm hỏng làn da mỏng manh của bé.
Chỉ cần chăm sóc da thường xuyên tại nhà cũng sẽ giúp điều trị mụn trứng cá cho bé:
- Rửa mặt cho bé hàng ngày bằng xà bông dịu nhẹ.
- Không chà sát mạnh hoặc tác động vào vùng da bị nổi mụn.
- Tránh sử dụng các loại kem dưỡng da
Nếu bạn lo lắng mụn trứng cá trên da bé sẽ không biến mất, hãy tới gặp bác sĩ để nghe tư vấn và được hướng dẫn phương pháp điều trị an toàn.
2. Bệnh chàm (Eczema)
Bệnh chàm là tình trạng da bị phát ban, khô, đỏ, ngứa và đôi khi có cảm giác đau. Bệnh da liễu này xuất hiện phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời.
Ở trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, Eczema thường xuất hiện ở má hoặc trán. Khi bé lớn hơn, chàm có thể xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và các vùng có nếp gấp da (nách, bẹn…)
Bệnh chàm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi da khô hoặc khi da tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chất gây kích ứng như:
- Lông thú cưng
- Mạt bụi
- Chất tẩy rửa
- Chảy nước dãi cũng có thể kích thích bệnh chàm phát triển quanh cằm hoặc miệng.
Bé bị chàm có thể cảm thấy ngứa.
Không có cách chữa bệnh chàm nhưng có nhiều cách để ngăn chặn các triệu chứng:
- Tắm nước ấm trong khoảng từ 5 đến 10 phút và sử dụng xà phòng dịu nhẹ.
- Sử dụng một loại kem hoặc thuốc mỡ nhằm dưỡng ẩm cho da hai lần một ngày.
- Sử dụng bột giặt không có mùi thơm dành riêng cho da nhạy cảm.
Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa có thể kê toa thuốc mỡ steroid để giúp giảm viêm. Phụ huynh nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Mụn thịt (Milia)
Milia là những nốt mụn nhỏ, màu trắng trên mũi, cằm hoặc má của trẻ sơ sinh trông giống như mụn trứng cá. Chúng cũng có thể xuất hiện trên tay và chân của bé.
Mụn được hình thành khi các vảy da chết bị kẹt lại trên bề mặt da. Giống như mụn trứng cá, milia sẽ biến mất mà không cần điều trị.
Những đốm Milia trên mũi bé.
Tuy nhiên, bạn nên chăm sóc cho bé bằng cách:
- Rửa mặt cho bé hàng ngày bằng xà bông dịu nhẹ.
- Đừng chà mạnh hoặc tác động vào vùng bị nổi mụn.
- Tránh dùng các loại kem dưỡng da.
4. Viêm da tiết bã
Bệnh viêm da tiết bã còn được biết đến với tên gọi dân gian là “cứt trâu”. Khi bị viêm da tiết bã, trên đầu em bé sẽ xuất hiện những vảy màu vàng, sần sùi.
Tình trạng này thường phát triển khi bé được 2 hoặc 3 tháng tuổi. Có thể có hiện tượng ửng đỏ xung quanh các vùng da bị viêm da tiết bã. “Cứt trâu” cũng có thể xuất hiện ở cổ, tai hoặc nách của em bé.
Mặc dù trông hơi mất thẩm mỹ nhưng “cứt trâu” không gây hại cho em bé của bạn. Nó cũng không ngứa như chàm. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng mà không cần điều trị.
“Cứt trâu” trên đầu trẻ thực ra là do viêm da tiết bã.
Một số điều bạn có thể làm ở nhà để kiểm soát tình trạng viêm da tiết bã đó là:
- Gội sạch tóc và da đầu của bé bằng dầu gội dịu nhẹ.
- Lấy các vảy bằng bàn chải lông mềm.
- Tránh gội đầu quá thường xuyên vì sẽ làm khô da đầu.
- Sử dụng dầu em bé để làm mềm vảy nhằm dễ chải hơn.
5. Rôm sảy
Rôm sảy xuất hiện khi mồ hôi không thể thoát ra ngoài da vì lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Bệnh thường do thời tiết quá nóng hoặc ẩm ướt.
Khi em bé bị rôm sảy, trên da sẽ nổi mụn nước nhỏ, đỏ, chứa đầy chất lỏng. Rôm sảy có thể xuất hiện trên: Cổ, vai, ngực, nách, nếp gấp khuỷu tay, háng.
Em bé bị rôm sảy ở vùng bụng.
Rôm sảy thường biến mất trong vòng một vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hãy gặp bác sĩ nếu trẻ bị rôm sảy kèm sốt hoặc nốt rôm sảy không biến mất, trông tệ hơn hoặc nhiễm trùng.
Để phòng tránh rôm sảy, hãy cho bé mặc quần áo cotton rộng rãi trong những tháng hè nóng bức, cởi bỏ các lớp áo mặc ngoài nếu trẻ tỏ ra khó chịu.
6. Vết bớt
Vết bớt xuất hiện ngay sau khi sinh, có màu xám xanh. Chúng có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trên cơ thể của bé, nhưng thường thấy nhất ở mông, lưng hoặc sau vai.
Vết bớt màu xanh xám trên mông trẻ.
Theo nghiên cứu, vết bớt xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh có nguồn gốc châu Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải hoặc châu Á. Vết này vô hại và sẽ mờ dần theo thời gian mà không cần điều trị.
Những tình trạng da kể trên thường vô hại và thường tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Bạn có thể giúp bé tránh gây kích thích vào khu vực da bất thường bằng cách cắt móng tay và đeo găng tay làm bằng vải mềm vào ban đêm.
Nếu bạn quá lo lắng hoặc cảm thấy làn da con đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa.
Đọc ngay: Chăm sóc trẻ bị rôm sảy như thế nào? Và những điều mẹ cần tránh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!