Hỏi đáp: Chữa viêm da dị ứng như thế nào nào hiệu quả nhất?
Viêm da chiếm đến 70% tỷ lệ người mắc bệnh da liễu, tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh do bệnh nhân tự ý chữa trị. Vì vậy, để độc giả hiểu rõ hơn về cách chữa viêm da dị ứng Cẩm nang bệnh da liễu đã tổng hợp một số câu hỏi liên quan thường gặp của độc giả và ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ về căn bệnh này. Hy vọng sẽ giúp được mọi người trong việc chữa viêm da dị ứng.
Bạn nên đọc:
Xin hỏi bác sĩ, có những loại viêm da dị ứng nào và cách chữa viêm da dị ứng như thế nào hiệu quả nhất?
Viêm da dị ứng là một bệnh khó chẩn đoán do có nhiều nguyên nhân gây ra. Những bệnh viêm da dị ứng thường gặp nhất là viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm da dị ứng là tránh cách chất kích thích da kết hợp với sử dụng đúng chỉ định các chất glucocorticoid tại chỗ có tác dụng thấp hoặc vừa. Đồng thời điều trị nhanh chóng tổn thương tránh trường hợp da bị nhiễm khuẩn thứ phát.
Để điều trị viêm da dị ứng cần dựa trên mức độ bệnh, với trường hợp bệnh nhẹ sẽ dùng thuốc bôi, nặng hơn sẽ dùng kết hợp thuốc uống và thuốc bôi, một số trường hợp sẽ phải sử dụng tia UV với liều thích hợp.
Cụ thể hơn, bác sĩ có thể cho biết những loại thuốc và cách dùng thuốc trị viêm da dị ứng được không ạ?
Các loại thuốc được sử dụng điều trị viêm da dị ứng bao gồm:
– Thuốc bôi corticoid: Đây là thuốc chống viêm da cần thiết khi bệnh nhân ở đợt kích phát nhờ tác dụng làm co mạch, ức chế các chức năng của bác cầu và làm biến đổi các phản ứng miễn dịch.
Các hoạt chất hay dùng gồm betamethasol, hydrocortisol, fluticason…Thông thường chỉ bôi 1 lần/ngày cho đến khi các triệu chứng giảm và dùng trong thời gian ngắn khoảng 10 ngày.
– Thuốc Tacrolimus (protopic): Đây là dẫn xuất kháng sinh nhóm macrolid dùng trong điều trị viêm da dị ứng nặng không đáp ứng với thuốc corticoid.
Thuốc cũng có tác dụng chống viêm, bôi 2 lần/ngày cho đến khi các triệu chứng giảm. Dùng trong 2 tuần không có hiệu quả hoặc có dấu hiệu bị bôi nhiễm cần ngưng hẳn.
– Thuốc kháng histamin: Có tác dụng chống ngứa do histamin gây ra, tuy nhiên, thuốc có hiệu quả thất thường.
– Thuốc chống nhiễm khuẩn: Với trường hợp bị chốc, lở, viêm nang do tụ cầu vàng cần dùng các thuốc sát khuẩn hoặc các dung dịch. Trường hợp nhiễm khuẩn khu trú nông có thể dùng kháng sinh tại chỗ như acid fusidi. Hoặc cần thiết sẽ phải dùng kháng sinh đường uống amoxycilin hoặc các cephalosporin.
Những trường hợp nặng, không đáp ứng với các cách điều trị bằng thuốc sẽ được xem xét để điều trị bằng chiếu tai cực tím.
Lưu ý: các thuốc trên có thể gây tác dụng phụ nếu dùng sai chỉ dẫn của bác sĩ.
DS. Thanh Hoài
Những biến chứng khi dùng thuốc trị viêm da dị ứng sai cách?
Viêm da dị ứng là một bệnh rất phổ biến với nhiều nguyên nhân, biểu hiện khác nhau có thể rất nhẹ như đỏ, ngứa. Tuy nhiên, vì chủ quan nên nhiều bệnh nhân đã tự ý mua thuốc gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn, hoại tử. Bởi một số thuốc sẽ tạo màng hoặc bít kín vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú biến một tổn thương đơn thuần thành tổn thương phức tạp.
Một số bệnh nặng hơn do bệnh nhân gãi ngứa nhiều đã vô tình làm cho tổn thương lan rộng không kiểm soát. Đa số trường hợp bị viêm da dị ứng không được điều trị đúng, kịp thời sẽ để lại sẹo.
Được biết, viêm da do dị ứng mỹ phẩm chiếm tỷ lệ cao, vậy xin hỏi bác sĩ chữa viêm da dị ứng mỹ phẩm cần chú ý những gì?
Đúng vậy, hiện nay công nghệ làm đẹp phát triển đáng kinh ngạc, tuy nhiên, cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ người bị dị ứng mỹ phẩm với các mức độ khác nhau tăng lên.
Thông thường, khi bị dị ứng mỹ phẩm bạn sẽ gặp các triệu chứng như đau rát vùng da vừa dụng mỹ phẩm, ngứa xuất hiện sau đó 10 phút kèm mẩn ngứa ban đỏ, mụn nước, da sưng tấy. Nặng hơn ngứa là tình trạng viêm da dị ứng, nổi mề đay, chàm, teo da, sạm da, lão hóa da,…
Sau khi có hiện tượng bị dị ứng như nổi sẩn, ngứa cần lập tức ngưng dùng, sau đó rửa sạch vùng da đã bôi mỹ phẩm. Thông thường chỉ cần ngưng dùng mỹ phẩm thì các triệu chứng trên sẽ giảm và hết hẳn. Tuy nhiên, với những người bị dị ứng nặng hơn cần phải được điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Với trường hợp bị viêm da tiếp chỉ cần bôi ngắn ngày các thuốc corticoid, nhưng với trường hợp nặng cần uống các thuốc kháng dị ứng theo chỉ định của bác sĩ và uống vitamin C liều cao.
Trong khi trị viêm da dị ứng cần kiêng gì?
Khi bị viêm da dị ứng bệnh nhân thường bị ngứa, tiết dịch lỏng và có vảy trên da, vì thế, ngoài việc dùng thuốc, vệ sinh da thì một chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp giảm nhanh các triệu chứng. Do đó bệnh nhân cần tiêu thụ ít các thực phẩm như thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, xúc xích), các sản phẩm từ sữa, tinh bột, đường.
Thay vào đó nên bổ sung bằng các loại cá hồi, cá ngừa, cá trích, rau xanh, uống đủ nước.
TS.BS. Lê Thanh Hải
Nên điều trị viêm da dị ứng ở đâu?
Bệnh nhân có thể đến các bệnh viện da liễu hoặc bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được điều trị. Tại Hà Nội, bệnh nhân có thể đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, …
Tại TP.HCM, các địa chỉ Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng khám Da liễu – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Tốt nhất nên đến các bệnh viện có chuyên khoa Dị ứng – miễn dịch để được chẩn đoán chính xác nhất như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), với trẻ em có thể đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội)…
>> Các địa chỉ tư vấn da liễu uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh
>> 7 địa chỉ tư vấn da liễu, điều trị da liễu ở Hà Nội
Thời gian trị viêm da dị ứng trong bao lâu? Chi phí điều trị như thế nào?
Nếu bệnh nhân tự nhận biết các triệu chứng viêm da dị ứng cơ bản như đỏ da, ngứa, nổi mẩn sau đó đi khám và được điều trị ngay thì bệnh sẽ khỏi sau 3-5 ngày.
Hiện nay có nhiều loại thuốc chống dị ứng với nhiều thế hệ, nồng độ, hiệu dụng khác nhau do đó mức tiền cũng khác nhau.
Một liệu trình điều trị viêm da dị ứng đơn giản mất khoảng 200.000 VNĐ – 500.000 VNĐ. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng sẽ tốn không ít chi phí, dao động từ 3.000.000 – 10.000.000 VNĐ.
Bác sĩ có lời khuyên nào cho bệnh nhân trong cách điều trị bệnh viêm da dị ứng?
Viêm da dị ứng là một bệnh có biểu hiện phức tạp, vì thế, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc đặc biệt là các trường hợp bị nhiễm khuẩn kèm sốt. Nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị với những loại thuốc và tư vấn chăm sóc thích hợp.
Bệnh nhân nên kiểm soát các yếu tố khiến bệnh nặng hơn như vệ sinh môi trường sống, chế độ dinh dưỡng đảm bảo, không hút thuốc lá, bia rượu, …Tốt nhất, bệnh nhân nên tự nhận biết 3 triệu chứng cơ bản như đỏ da, ngứa da, nổi mẩn và đi khám kịp thời.
Viêm da dị ứng rất dễ tái phát vì thế bệnh nhân nên nâng cao cảnh giác phòng bệnh bằng cách xác định dị nguyên gây bệnh và tránh tiếp xúc.
BS. Phúc Hưng
Quỳnh Nguyễn (ghi)
HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!