Bệnh rôm sảy ở trẻ và tất cả những điều mẹ cần biết
Rôm sảy là bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Việc biết rõ về bệnh sẽ giúp mẹ điều trị rôm sảy cho trẻ hiệu quả hơn!
Bệnh rôm sảy là gì?
Hình ảnh về bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ
Rôm sảy hay nhiệt gai là căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ vào mùa hè, khi tiết trời trở nên nóng bức. Bệnh gây ra những nốt ban nhỏ đỏ, tuy không gây ra đau đớn nhưng lại khiến trẻ cực kỳ ngứa ngáy và khó chịu. Rôm sảy là bệnh lành tính và thông thường các nốt rôm sẽ tự lặn khi thời tiết mát lên và để lại các đám vảy da bong mỏng, màu trắng, ít ngày sau da trở lại bình thường không để lại sẹo. Tuy nhiên khi trẻ bị rôm sảy mà không được mẹ vệ sinh đúng cách thì rất dễ dẫn đến việc gặp phải các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da,…
Nguyên nhân nào gây ra bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ?
Trẻ nhỏ bị rôm sảy chủ yếu là do thời tiết quá nóng bức, trẻ thân nhiệt lại cao hơn người lớn nên thường ra mồ hôi gấp nhiều lần nhưng do ở trẻ, các ống bài tiết mồ hôi vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh nên dễ gặp phải tình trạng tắc nghẽn. Mồ hôi ứ đọng dưới da khi gặp bụi bẩn, vi khuẩn, tế bào chết sẽ hình thành nên các nốt rôm sảy!
Ngoài ra một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị rôm sảy có thể do từ chính những cách chăm sóc sai lầm của mẹ như việc đeo bao tay, bao chân cho trẻ mọi lúc mọi nơi, cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, lạm dụng phấn rôm,…
Xem thêm chi tiết: Sai lầm của mẹ khiến trẻ bị rôm sảy
Rôm sảy thường xuất hiện ở những vị trí nào trên cơ thể trẻ?
Ở trẻ nhỏ, rôm sảy chủ yếu xuất hiện ở da đầu, cổ, vai, ngực, mặt và lưng nhưng cũng có thể mọc thêm ở kẽ nách, háng và các nếp gấp của da.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị rôm sảy!
Rôm sảy có 3 dạng cơ bản là dạng tinh thể, dạng rôm đỏ và dạng rôm sâu. Tùy vào từng dạng mà bệnh sẽ có những biểu hiện, dấu hiệu khác nhau, các mẹ cần tìm hiểu kỹ để có thể phân biệt chính xác:
+ Rôm sảy dạng tinh thể: Là dạng rôm sảy không viêm, các mụn nước rất nông ở lớp sừng, trẻ thường bị sốt cao, sau khi khỏi thì để lại những mảng da mỏng, và ít để lại sẹo.
+ Rôm sảy đỏ: Xuất hiện các sẩn đỏ dày thành đám, chiếm hết diện tích lưng ngực gây cho trẻ cảm giác bứt rứt khó chịu và rất ngứa ngáy, có nguy cơ gây biến chứng làm bội nhiễm và viêm da cao nhất, ngoài ra các biến chứng khác như chốc, viêm nang lông, mụn nhọt do nhiễm tụ cầu vàng cũng có thể xảy ra.
Rôm sảy đỏ
+ Rôm sảy sâu: Thường xuất hiện sau khi trẻ bị rôm sảy đỏ nhiều lần. Biểu hiện là các nốt sẩn 1 – 3mm, màu nhạt, cứng thường không gây ngứa ngáy hay cảm giác châm chích khó chịu như thể rôm đỏ, thường mọc ở thân mình nhưng cũng có thể mọc ở tay, chân. Dạng rôm sảy nếu không được chăm sóc cẩn thận thì sẽ có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi.
+ Rôm sảy mủ: Đây là thể nặng của rôm sảy, biểu hiện là những đốm trắng, có nước ở đầu nhọt. Khi trẻ bị rôm sảy có mủ, mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Một số biến chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp khi bị rôm sảy
Như đã đề cập ở trên, rôm sảy dù là bệnh lành tính và rất dễ điều trị nhưng nếu mẹ chủ quan, không chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ đúng cách thì rất dễ dẫn đến việc trẻ gặp phải các biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Viêm da mãn tính
- Nhiễm trùng da
- Sốc phản vệ
- Nhiễm trùng huyết
Xem thêm thông tin hữu ích: Biến chứng của rôm sảy
Bệnh rôm sảy ở trẻ có lây không?
KHÔNG! Theo ý kiến từ các chuyên gia Y tế và các bác sĩ hàng đầu tại Việt Nam thì rôm sảy không phải là bệnh truyền nhiễm và cũng không lây qua đường tiếp xúc!
Mẹ phải làm gì để điều trị rôm sảy cho trẻ an toàn và hiệu quả?
Rôm sảy là bệnh da liễu phổ biến, có thể điều trị dễ dàng bằng nhiều cách khác nhau, bằng cả Tây y và Đông y. Dưới đây là một số cách có thể giúp mẹ điều trị bệnh rôm sảy cho trẻ nhỏ:
-
Dùng phấn rôm
Thành phần chính của phấn rôm là bột Talc, có công dụng hút ẩm tốt nên thường được mẹ dùng để bôi lên các vùng da bị rôm sảy của trẻ giúp trị rôm, mẩn ngứa và giúp da trẻ thơm tho, khô thoáng. Tuy nhiên nếu mẹ lạm dụng phấn rôm và dùng phấn rôm sai cách thì có thể khiến trẻ gặp nhiều nguy hại đến sức khỏe.
Cụ thể, bột talc trong phấn rôm nếu trẻ không may hít phải có thể gây ra những tác hại nguy hiểm như bị ho, khó thở, nôn, phù phổi. Đối với bé gái, nếu phấn rôm không mat bay vào vùng kín như âm hộ,… có thể bị u ác tính, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này!
Lời khuyên ở đây là mẹ tuyệt đối không bôi phấn rôm cho trẻ ở những khu vực nhạy cảm, những nơi gần vùng kín, và không bôi phấn ở nơi có gió vì có thể khiến bụi phấn không may bay vào mặt, vào vùng kín của trẻ.
-
Dùng các loại thuốc bôi
Để trị rôm sảy cho trẻ, mẹ có thể nhờ cậy đến các loại thuốc bôi sau đây:
+ Dung dịch Calamine: Giúp giảm ngứa, đau hay cảm giác khó chịu khi da bị kích ứng. Thuốc cũng làm khô vết rỉ và chảy nước của những mụn mủ.
+ Kem dưỡng chứa Lanolin: Giúp tạo một lớp màng bảo vệ, không cho da của trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng bên ngoài. Lưu ý loại thuốc này là thuốc mỡ nên chỉ bôi một lớp mỏng, tránh bôi dày sẽ khiến bít tắc lỗ chân lông, làm bệnh rôm sảy trở nên nặng hơn.
+ Thuốc bôi chứa Steroid: Có đặc tính kháng viêm cao, giúp trị rôm sảy hiệu quả,. Tuy nhiên loại thuốc này không nên bôi quá 1 tuần vì có thể làm mỏng da, rạn da và khiến da trẻ đổi màu,…
Lưu ý: Trước khi bôi bất kỳ loại thuốc trị rôm sảy nào mẹ cũng nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ. Nếu bôi thuốc từ 1-2 tuần mà bệnh vẫn có dấu hiệu thuyên giảm thì mẹ nen dừng lại ngay. Ngoài ra, mẹ không nên dùng tay bôi thuốc trực tiếp cho trẻ mà nên bôi qua tăm bông.
-
Trị rôm sảy bằng Đông y
Để trị rôm sảy cho trẻ, mẹ có thể dùng đến các phương pháp Đông y, vừa đơn giản, an toàn lại mang đến hiệu quả cao, chi phí thì rẻ bèo.
Mẹ có thể dùng các vị thuốc quý trong Đông y như sài đất, kim ngân hay thổ phục linh,… đem sắc nước uống hoặc sắc nước tắm để trị rôm sảy cho trẻ.
Xem thêm: Trị rôm sảy bằng thảo dược
Ngoài ra các loại lá như lá khế, lá dâu tằm, lá tía tô, kinh giới, đem nấu nước tắm cho trẻ cũng đem lại hiệu quả trị bệnh cực cao mà lại đơn giản, dễ thực hiện.
Xem thêm chi tiết: Trẻ bị rôm sảy tắm gì?
Khi nào thì mẹ nên đưa trẻ bị rôm sảy đến ngay gặp bác sĩ?
Mẹ nên đưa trẻ bị rôm sảy đến gặp ngay bác sĩ nếu trẻ có những biểu hiện sau:
- Rôm sảy kéo dài trên 7 – 10 hoặc bệnh có những biểu hiện bị lan rộng ra khắp người.
- Hiện tượng rôm sảy tái phát lại nhiều lần
- Trẻ luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt, quấy hay có những biến chứng nhiễm trùng da, sốt.
- Trẻ bị rôm sảy có mủ
Một số lưu ý mẹ cần nhớ kỹ khi chăm sóc trẻ bị rôm sảy
Khi trẻ bị rôm sảy, để bệnh mau khỏi và trẻ không gặp phải bất kỳ biến chứng nào thì mẹ cần lưu ý kỹ những điều sau đây:
- Không nặn những nốt rôm sảy trên người trẻ vì điều này sẽ làm các dịch trong nốt lan ra, gây lây lan bệnh, có thể gây viêm da cho trẻ.
- Không được massage cho trẻ, đặc biệt với các loại tinh dầu, điều này chỉ làm nặng thêm tình trạng bít kín lỗ chân lông ở trẻ.
- Khi tắm bằng lá cho trẻ, không để nước lá quá đặc, dễ gây nên kích ứng da.
- Không sử dụng sữa tắm người lớn để tắm cho trẻ, vì trong sữa tắm người lớn chứa hàm lượng chất tây rửa khá cao.
- Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ, đề phòng trường hợp trẻ ngứa ngáy nên gãi gây trầy xước, viêm nhiễm da
- Không tự ý bôi hay sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ có phòng tránh được không?
ĐƯỢC! Mẹ có thể chủ động phòng tránh rôm sảy cho trẻ nhỏ ngay từ đầu hè nếu làm theo những hướng dẫn sau đây:
- Thường xuyên tắm rửa và lau mồ hôi để cơ thể và làn da của trẻ luôn thoáng mát.
- Không nên mặc quá nhiều quần áo với chất liệu khiến da bị bí cho trẻ, đặc biệt là trong mùa nóng.
- Nên tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, nhất là những nơi có nhiệt độ cao hoặc không gian không sạch sẽ, dễ chứa nhiều vi khuẩn.
- Không nên cho trẻ ra ngoài khi trời đang nắng nóng, nhất là vào khung giờ từ 11h trưa đến 4h chiều. Nếu có ra ngoài, mẹ phải bôi kem chống nắng cẩn thận cho trẻ và cho trẻ đội mũ rộng vành.
- Bố mẹ nên lựa chọn cho trẻ những loại sữa tắm dịu nhẹ, không mùi hoặc ít mùi. Một điều nên chú ý, bố mẹ nên mua sữa tắm có độ pH từ 4,75 – 5,5 độ.
Xem thêm: Mách mẹ cách trị rôm sảy hoàn toàn cho trẻ chỉ sau một đêm!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!