Trẻ bị mề đay nên ăn gì? Kiêng ăn những gì?
Việc kiêng kỵ trong ăn uống khi trẻ bị mề đay là giải pháp then chốt trong điều trị, ngoài ra còn còn có tác dụng trong việc đề phòng mề đay ở trẻ tái phát. Vậy khi bị nổi mề đay trẻ cần ăn gì và kiêng gì?
Theo Tài liệu hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị (Bộ Y tế, ban hành năm 2015) cho biết mày đay là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây phù cấp hoặc mạn tính ở trung bì.
Cách trị mề đay ở trẻ em gồm 3 bước:
- Tránh yếu tố gây kích thích, dị ứng
- Dùng thuốc
- Chăm sóc trẻ tại nhà
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn (Bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM), trẻ bị mề đay là một bệnh da phổ biến gây khó chịu. Để điều trị bệnh nổi mề đay, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc kiêng kỵ trong ăn uống cũng có tác dụng quan trọng trong việc điều trị.
Những thực phẩm nên kiêng khi trẻ bị mề đay
- Trong giai đoạn mề đay cấp tính: Cần giảm ăn đường và muối. Lý do, vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng), còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên.
- Trong trường hợp mề đay phù nề, rịn nước thì giảm thức ăn có nhiều nước như canh, súp, uống ít nước.
- Kiêng những thức ăn có nhiều đạm như tôm, cua, bò, gà, đồ đóng hộp, lạp xưởng, trứng, gà, sữa bò đặc, lòng trắng trứng…
Bạn nên xem: Hướng dẫn cách trị mề đay ở trẻ em đúng cách, hiệu quả nhất
Những thực phẩm nên ăn khi trẻ nổi mề đay
Nên ăn chế độ có nhiều vitamin như A,B,C và những thức ăn dễ tiêu, có tác dụng chống táo bón như cà chua, cam, chanh, khoai lang, mướp đắng…
Lương y Thanh Ngọc (Hội Đông y Việt Nam) khuyên dùng những món ăn hỗ trợ điều trị mề đay cho bé dưới đây:
1. Cháo khổ qua + rau muống + tim lợn
– Chuẩn bị:
- Tim lợn 1 quả
- Khổ qua 60g
- Rau muống 40g
- Gạo tẻ 60g
- Gia vị vừa đủ
– Sơ chế:
Khổ qua đem rửa sạch, bỏ ruột, thái lát mỏng. Rau muống rửa sạch, cắt ngắn.Tim lợn bổ làm 4 rửa sạch, gạo vo sạch.
– Cách làm:
Cho gạo cùng tim lợn cho vào nồi, đổ nước hầm thành cháo, cháo chín kỹ rồi cho khổ qua vào đun tiếp, sau cùng cho rau muống vào đun sôi thêm một lát, nêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.
– Công dụng:
Khổ qua có tính mát, thanh nhiệt, chống dị ứng đồng thời làm dịu cơn ngứa, làm mát da. Rau muống có vị ngọt tính hàn, tác dụng tiêu độc, nhuận cơ, chống ngứa.Và tim lợn có tác dụng bổ tâm, kiện não, gạo tẻ bổ tỳ dưỡng cơ nhục. Món này tốt cho người bị mề đay hay tái phát, người nóng trong và ngứa.
2. Cháo chi tử + hạt sen
– Chuẩn bị:
- Chi tử 16g
- Hạt sen 20g
- Gạo tẻ 70g
- Gia vị vừa đủ
– Cách làm:
Cho hạt sen ngâm vào nước ấm 3 giờ, chi tử sắc kỹ chắt lấy nước thuốc, sau đó, cho gạo và hạt sen vào nồi, đổ nước thuốc nấu thành cháo chín nhừ. Khi chín thì nêm thêm gia vị, chia làm 2 lần trong ngày.
– Công dụng:
Hạt sen bổ tâm tỳ, tăng sức đề kháng và làm tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Trong khi đó, chi tử có tác dụng chống viêm, thanh nhiệt, an thần. Gạo tẻ giúp dưỡng cơ nhục, bổ ngũ tạng. Món ăn này tốt cho người bị mề đay phong ngứa, toàn thân nóng ran, mặt da đỏ, sưng…
3. Cháo rau má + đậu xanh
– Chuẩn bị:
- Rau má 70g
- Đậu xanh 30g
- Gạo tẻ 40g
- Gia vị vừa đủ
– Cách làm:
Đậu xanh xay lấy cả vỏ, rau má cắt ngắn, rửa sạch. Cho đậu xanh và gạo đã đãi sạch vào nồi hầm thành cháo, khi cháo chín thì cho rau má đun thêm 1 lát là ăn được. Nêm gia vị dùng 2 lần/ngày.
– Công dụng:
Rau má có tính mát, nhuận gan, mát phổi, kháng viêm và tiêu độc. Đậu xanh mát, bổ, thanh nhiệt. Rất tốt cho người bị mề đay do cơ địa, tái phát nhiều lần khi thay đổi thời tiết.
Ngoài ra, có thể sử dụng nước ép trái cây giàu vitamin, nhất là vitamin C như cam, chanh sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, đẩy lùi và tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Cách phát hiện nguyên nhân gây dị ứng trong thực phẩm
Với những người bị dị ứng nổi mày đay mạn tĩnh lẫn cấp tính nghi ngờ do thực phẩm nên thực hiện chế độ ăn loại trừ để xác định chính xác nguyên nhân.
Bắt đầu ăn trong 3 tuần chỉ gồm những thực phẩm không có chất gây dị ứng như gạo, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, bí, thịt bò…Có thể uống trà, cà phê nhưng không có sữa. Nếu dị ứng mề đay không xuất hiện thì bắt đầu cho trẻ ăn thêm những món ăn nghi ngờ như trứng, sữa, cá,…Ăn đến món nào thấy nổi mề đay thì đó là nguyên nhân gây bệnh và phải tránh sau này và tiếp tục ghi nhớ.
Xem video PGS.TS Phạm Văn Hiển (Nguyên GĐ Bệnh viện Da liễu TƯ) chia sẻ về bệnh mày đay:
Hy vọng những thông tin trên có thể giúp ích cho các bậc phụ huynh chủ động hơn trong chăm sóc và điều trị khi trẻ bị mề đay. Việc kiêng kỵ khi ăn không chỉ có tác dụng điều trị mà còn là phương pháp phòng bệnh tốt nhất, vì thế hãy lưu ý để trẻ không phải là nạn nhân của mề đay dị ứng thực phẩm.