Rôm sảy có mủ ở trẻ sơ sinh: Không cẩn thận sẽ nhiễm trùng huyết!
Rôm sảy có mủ là những vết rôm xuất hiện với đốm trắng, có nước ở đầu nhọt. Đây là một hiện tượng thường gặp nhưng nếu không được giải quyết kịp thời sẽ mang đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh.
Rôm sảy hay nhiệt gai, là những nốt ban đỏ nhỏ gây ra bởi tắc nghẽn tuyến mồ hôi hoặc tuyến mồ hội hoạt động nhiều hơn bình thường. Mồ hôi làm cho các tế bào da và vi khuẩn trên da bị tổn thương, ngăn cản và gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi. Khi bùng nổ, chúng hình thành các nốt đỏ và có cảm giác gai, ngứa.
Rôm sảy không phải là một vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe của trẻ, tuy nhiên nếu mẹ không vệ sinh, chăm sóc vùng bị rôm sảy của trẻ đúng cách, thì từ rôm sảy thường sẽ dẫn đến rôm sảy có mủ, không cẩn thận có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Nguyên nhân nào gây ra rôm sảy có mủ ở trẻ sơ sinh?
Vệ sinh không đúng cách chính là nguyên nhân chính gây ra rôm sảy có mủ ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính gây ra rôm sảy ở trẻ sơ sinh là do thời tiết nóng bức, mồ hôi tiết ra nhiều, bố mẹ lại mặc quần áo quá kỹ khiến mồ hôi càng không thoát được hết và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ. Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng.
Những sẩn nhỏ này mọc thành từng đám và thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều mồ hôi, chẳng hạn như: trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể… Rôm sảy thông thường sau 8-10 ngày sẽ tự lặn hết mà không để lại di chứng nào nếu được chăm sóc và vệ sinh đúng cách. Thế nhưng, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, khiến cho vi khuẩn phát triển thì từ rôm sảy bình thường sẽ trở thành rôm sảy có mủ!
Xem thêm chi tiết: Bệnh rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Rôm sảy có mủ ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?
Bị rôm sảy có mủ có nghĩa trẻ đã bị rôm sảy thể nặng! Điều này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ khiến trẻ sơ sinh gặp phải không ít vấn đề đối với làn da và sức khỏe.
Rôm sảy có mủ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết
Rôm sảy là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào làn da của trẻ dẫn đến nhiễm khuẩn có mủ, đặc biệt là tụ cầu vàng, đây là loại vi khuẩn ở sẵn trên da trẻ, chui vào da theo lỗ chân lông và gây ra mụn nhọt. Nếu quá nặng, rôm sảy có mủ có thể sẽ phát triển thành mụn nhọt khó dứt và khi lành sẽ để lại sẹo trên da bé.
Một trong những nguy cơ mà trẻ bị rôm sảy có mủ có thể gặp phải chính là khi nhiễm trùng quá nặng sẽ dễ dẫn đến NHIỄM TRÙNG HUYẾT gây nguy hiểm đến tính mạng! Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi…
Điều trị rôm sảy có mủ ở trẻ sơ sinh thế nào?
Có nên tắm lá, đắp lá lên cho trẻ?
TUYỆT ĐỐI KHÔNG! Nếu trẻ chỉ đang bị rôm sảy thường, mẹ có thể dùng các phương pháp dân gian như tắm lá, tắm bằng các loại rau để trị rôm sảy cho trẻ nhưng một khi đã chuyển sang rôm sảy có mủ, tức là rôm sảy thể nặng, chúng tôi khuyên bạn không nên dùng phương pháp này vì nó có thể khiến da càng ngứa, mẩn đỏ lên, khiến tình trạng mụn mủ tệ hại hơn.
Vậy phải làm thế nào khi trẻ sơ sinh bị rôm sảy có mủ?
Việc được chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị rôm sảy của bé nhanh chóng hơn
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay! Khi thấy tình trạng rôm sảy của trẻ chuyển biến xấu, xuất hiện mụn mủ, nhọt, mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám, tránh biến chứng. Nếu bạn đưa trẻ đi khám sớm, việc điều trị rất đơn giản. Trong khi đó, đưa bé đi khám càng trễ, việc điều trị rôm sảy có mủ cho trẻ càng khó khăn hơn.
Chi tiết: Cách trị rôm sảy ở trẻ
Làm thế nào để phòng chống rôm sảy có mủ ở trẻ sơ sinh
- Thường xuyên tắm rửa và lau mồ hôi để cơ thể và làn da của bé luôn thoáng mát.
- Không nên mặc quá nhiều quần áo với chất liệu khiến da bị bí cho bé, đặc biệt là trong mùa nóng.
- Nên tránh đưa bé đến những nơi đông người, nhất là những nơi có nhiệt độ cao hoặc không gian không sạch sẽ, dễ chứa nhiều vi khuẩn.
- Bố mẹ nên lựa chọn cho bé những loại sữa tắm dịu nhẹ, không mùi hoặc ít mùi. Một điều nên chú ý, bố mẹ nên mua sữa tắm có độ pH từ 4,75 – 5,5 độ.
Những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị rôm sảy
Cách chăm sóc không đúng sẽ vô tình khiến trẻ bị rôm sảy có mủ, vì vậy khi bé bị rôm sảy các mẹ nên đặc biệt lưu ý những điều sau:
- Không nặn những nốt rôm sảy trên người bé vì điều này sẽ làm các dịch trong nốt lan ra, gây lây lan bệnh, có thể gây viêm da cho trẻ.
- Không được massage cho trẻ, đặc biệt với các loại tinh dầu, điều này chỉ làm nặng thêm tình trạng bít kín lỗ chân lông ở trẻ.
- Khi tắm bằng lá cho trẻ, không để nước lá quá đặc, dễ gây nên kích ứng da.
- Không sử dụng sữa tắm người lớn để tắm cho trẻ, vì trong sữa tắm người lớn chứa hàm lượng chất tây rửa khá cao.
- Không tự ý bôi hay sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm thông tin chi tiết: Chăm sóc trẻ bị rôm sảy như thế nào
Rôm sảy là bệnh lành tính, không gây nguy hại gì nhiều tới sức khỏe của trẻ, nhưng nếu để thành rôm sảy có mủ, mà không giải quyết kịp thời thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Qua những thông tin trên, hy vọng các mẹ sẽ có thêm kiến thức về căn bệnh này và chăm sóc tốt hơn cho bé nhà mình nhé!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!