Bị hắc lào điều trị thế nào để nhanh khỏi nhất?

Hắc lào điều trị thế nào để nhanh khỏi nhất? là câu hỏi nhiều nhất gửi về Cẩm nang bệnh da liễu thời gian gần đây. Dưới đây là câu trả lời về cách điều trị bệnh hắc lào hiệu quả nhất, nhanh nhất từ các chuyên gia da liễu.

>>> Triệu chứng bệnh hắc lào và phương pháp điều trị bệnh

>>> 6 Nguyên nhân bị hắc lào bất cứ ai cũng có thể mắc và cách điều trị

Tôi là hướng dẫn viên du lịch, gần đây tôi phát hiện mình bị hắc lào nhưng do thường xuyên phải di chuyển nên không có thời gian đi khám. Tôi có bôi thuốc mua ở tiệm thuốc nhưng không thâyd đỡ. Vậy xin hỏi bị hắc lào điều trị thế nào để nhanh khỏi nhất? vì hiện giờ tôi thấy rất ngứa ngáy, khó chịu và bất tiện trong công việc. Xin cám ơn!

Hồng Ngân (Vũng Tàu)

Hắc lào là bệnh gì?

Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết, bệnh hắc lào là loại bệnh da liễu thường gặp, do các vi nấm cạn gây nên. Loại nấm này thuộc nhóm Dermatophytes, hay gặp nhất là hai loại nấm Trychophyton và Epidermophyton.

Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhiều nhất là ở tuổi thiếu niên, trung niên. Có hai nguyên nhân gây ra bệnh hắc lào.

Thứ nhất: Do vệ sinh cá nhân không sạch sẽ, thường xuyên kèm theo làm việc trong môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh, mồ hôi tiết ra nhiều.

Thứ hai: Do lây nhiễm chủ yếu từ người mắc bệnh sang người lành do dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân,…hoặc từ tiếp xúc với đất cát, gia súc.

Biểu hiện của bệnh hắc lào

Biểu hiện bệnh hắc lào thường gặp ở những vùng da có nếp gấp như bẹn, bụng, chân tay, lưng,… Khi bị bệnh, đầu tiên bệnh nhân thấy ngứa, vùng da bị bệnh xuất hiện vết mẩn đỏ hình đồng tiền có giới hạn rõ rệt, kèm theo đó là mụn nước lấm tấm ở bờ tổn thương. Nếu không được điều trị sớm bệnh có thể lan rộng ra toàn thân, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng.

Mùa hè nóng nực, mồ hôi tiết ra nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Bệnh gây ngứa ngáy cả ngày lẫn đêm, tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân nhưng gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và gây mất tự tin cho người bệnh.

Bệnh da liễu này nếu không được trị dứt điểm sẽ ngày càng lan rộng từ từ ra toàn thân. Nếu không chú ý có thể truyền nấm sang cho người lành, nhất là những thành viên trong gia đình khi người lành dùng chung khăn lau  hoặc treo chung quần áo với người bị bệnh.

Bị bệnh hắc lào điều trị  như thế nào?

Tuy bệnh gây nhiều khó chịu nhưng cách điều trị không quá khó nếu thực hiện điều trị đúng liều lượng, thời gian. Hiện có rất cách trị hắc lào từ Tây y, Đông y đến mẹo dân gian. Mỗi phương pháp lại có những loại thuốc, bài thuốc khác nhau, mỗi cách đều có ưu điểm riêng.

Trị hắc lào bằng phương pháp Tây y

Những loại thuốc cổ điển như: ASA, BSA, BSI… Có tác dụng tốt trong điều trị dứt điểm bệnh hắc lào. Tuy nhiên những loại thuốc này gây lột da, đau rát và gây sạm da.

Hiện nay, một số loại thuốc kháng nấm khá an toàn mà bệnh nhân có thể tham khảo như thuốc bôi ngoài chứa dẫn xuất của Imidazole như Miconazole, Econazole, Clotrimazole. Những loại thuốc này có ưu điểm là không có màu, mùi thơm dễ chịu, không gây lột da nhưng tùy vào thể trạng của mỗi bệnh nhân mà thuốc có thể có tác dụng phụ đó là gây dị ứng nhẹ.

Dị ứng này có thể tự khỏi sau từ 7-10 ngày. Trường hợp do thể trạng yếu và da nhạy cảm thì có thể kết hợp bôi thuốc dị ứng.

Trong trường hợp bệnh hắc lào phát triển nhiều và có dấu hiệu nặng hơn, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số loại thuốc uống như Itraconazole, Fluconazole, Ketoconazole,… để điều trị hắc lào được triệt để.

Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý không vì nóng vội muốn điều trị bệnh mà bôi lượng thuốc quá nhiều hoặc bôi nhiều lần trong ngày. Điều này sẽ gây kích ứng da và làm bệnh tình nặng thêm. Tốt hơn hết bệnh nhân chỉ nên bôi lượng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi dùng các loại thuốc tây trị hắc lào, bệnh nhân lưu ý phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh các biến chứng từ tác dụng phụ của thuốc. Những người bị bệnh về gan, thận,…thì nên hạn chế sử dụng vì có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Bệnh nhân cũng lưu ý thêm là không bôi thuốc sang vùng da lành, da non, có thể gây nên tình trạng phỏng, chảy nước trên bề mặt da, thậm chí có thể gây nhiễm khuẩn và sưng đau.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân giữ da khô sạch sẽ, tránh gãi mạnh vào vùng da bị bệnh. Ngoài ra không nên mặc quần áo quá bí, quần áo và khăn lau phải được giặt sạch sẽ, khô ráo. Thời gian điều trị bệnh thường từ 2-4 tuần, bệnh nhân cần kiên trì điều trị để tránh sự quay trở lại của bệnh.

Bệnh hắc lào và cách điều trị bằng Đông y

Các bài thuốc Đông y điều trị hắc lào hiện nay dựa trên trên nền tảng kiến thức lâu đời của y học cổ truyền từ xa xưa. Với các bệnh ngoài da nói chung và bệnh hắc lào nói riêng đều có các bài thuốc đặc hiệu được nhiều người tín nhiệm vì hiệu quả cao lại ít tác dụng phụ.

Các bài thuốc Đông y trị hắc lào nói riêng và điều trị bệnh da liễu nói riêng được bào chế dưới hai dạng là: thuốc bôi và thuốc uống.

Thuốc uống có tác dụng giải độc, tăng cường chức năng gan với các thành phần được dùng như: kim ngân hoa, bồ công anh, ké đầu ngựa…Với bệnh hắc lào nhẹ không cần dùng đến thuốc uống, chỉ dùng cho các trường hợp bị thương tổn nặng.

Thuốc bôi được bào chế dưới dạng cao mềm giúp làm dịu da, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh trên vùng da bệnh, đồng thời giúp tại tạo tế bào dưới da, dưỡng da khỏe mạnh. Phải kể đến các thành phần gồm các thảo dược quý như: sinh địa, thiên mã hồ, kinh giới, mật ong…

Thời gian điều trị bệnh hắc lào bằng Đông y ít nhất từ 7-10 ngày tùy thuộc vào mức độ bệnh.

Trị hắc lào bằng phương pháp dân gian

Mặc dù chưa có công trình nào nghiên cứu sâu rộng các cách điều trị hắc lào dân gian, tuy nhiên các mẹo điều trị này đa phần là an toàn vì chỉ bôi ngoài da nên nhiều người vẫn tin dùng. Dưới đây là 5 mẹo điều trị hắc lào dân gian nhận được nhiều phản hồi tốt từ những người đã trải nghiệm, người bệnh có thể tham khảo: 

  • Trị bằng hạt Muồng châu

Hạt Muồng châu, hay còn gọi là cây muồng lác. Cây được dùng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh hắc lào. Cách thực hiện: chuẩn bị 20 gram hạt muồng châu tươi và 12 gram hạt bồ kết tươi. Đem giã nát rồi đem ngâm trong 100ml cồn 70 độ trong khoảng 7 ngày. Sau đó, bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ vùng da bị bệnh và bôi dung dịch đã ngâm lên đó, thực hiện 2 lần/tuần. Thuốc sẽ có hiệu quả rõ rệt trong 3-4 tuần thực hiện.

  • Trị bằng cây kiến cò

Cây kiến cò hay còn gọi là cây bạch hạc, là loại thảo dược mọc thành bụi, cao từ 1-2m, có hoa màu trắng. Cách thực hiện: Chuẩn bị khoảng 50g hỗn hợp bao gồm rễ, cành, lá cây kiên cò đem rửa sạch rồi giã nát. Tương tự cách điều trị với hạt muồng châu, bạn đem ngâm hỗn hợp với 100ml cồn 70 độ trong 7 ngày. Sau đó lấy dung dịch bôi vào vùng da bị hắc lào, ngày thực hiện 1-2 lần sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.

Ngoài ra cũng có thể sử dụng thuốc sắc để uống với nguyên liệu thảo dược từ thiên nhiên như kim ngân hoa, bồ công anh, đơn đỏ, hồng hoa, ké đầu ngựa,… Đây là bài thuốc giúp tiêu viêm, thanh nhiệt, tăng cường khả năng khử độc ở gan, thải độc ở thận, rất phù hợp để điều trị bệnh hắc lào. Thuốc có thể mua ở các tiệm thuốc Đông y.

  • Điều trị hắc lào bằng chuối xanh

Chuẩn bị một quả chuối xanh rồi đem bổ đôi. Sau khi vệ sinh sạch sẽ vùng da bị bệnh thì đem chà mủ chuối lên vùng da bị bệnh. Thực hiện 2 lần/ngày và liên tục trong 5-7 ngày bệnh sẽ có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Điều trị hắc lào bằng lá trầu không

Dùng lá trầu không rửa sạch rồi đem giã nát vắt lấy nước. Sau đó lấy bông gòn thấm nước cốt lên vùng da bị bệnh và để khô tự nhiên. Lá trầu không có chứa các chất giúp tiêu diệt vi khuẩn nấm có hại cho da.

  • Điều trị hắc lào bằng lá trà xanh

Dùng lá trà xanh nấu với nước cho sôi rồi rửa vùng da bị bệnh. Kiên trì thực hiện cho đến khi thấy dấu hiệu khỏi bệnh.

Những bài thuốc dân gian có thể không đem lại hiệu quả tức thì như khi bệnh nhân sử dụng thuốc Tây y, tuy nhiên với chi phí rẻ và không có tác dụng phụ cho cơ thể thì bệnh nhân có thể kiên trì điều trị bằng phương pháp này cũng là một lựa chọn khả quan.

Cách phòng ngừa bệnh hắc lào

Đối với người đã từng bị bệnh hắc lào cần biết rằng bệnh có thể tái phát do dùng thuốc không đúng cách hay do do không diệt tận gốc nguồn nấm lây bệnh. Để phòng ngừa khả năng bệnh có thể tái phát, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, cần phải diệt nấm ẩn chứa trong những vật dụng cá nhân như quần áo, khăn lau, chiếu gối,…Cách diệt khá đơn giản, luộc chúng trong nước sôi 100độ C trong vòng 15 phút hoặc có thể rắc bột chống nấm.

Đối với người lành chưa mắc bệnh, không nên tiếp xúc quá gần với người lạ, tránh làm việc ở những nơi ẩm ướt, kém vệ sinh. Không nên mặc chung quần áo, dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Ngoài ra nên mặc quần áo thoáng mát tránh tình trạng ra nhiều mồ hôi, nhất là ở những nếp gấp như cổ, nách, cánh tay,…

Khi có dấu hiệu bị bệnh hắc lào, tốt nhất bạn nên đến các trung tâm y tế gần nhất để khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Nhiều người thường đặt câu hỏi bị hắc lào điều trị thế nào cho hiệu quả và nhanh nhất nhưng lại quên việc phải kết hợp với cách phòng tránh, đặc biệt là cách phòng tránh bệnh hắc lào tái phát. Hy vọng những kiến thức trên đây đã giải đáp được thắc mắc về bệnh hắc lào.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo