6 bệnh da liễu thường gặp ở người lớn và cách điều trị
Một trong những nguyên nhân gây bệnh da liễu là do người dân chưa có kiến thức phòng, tránh và điều trị bệnh đặc biệt là các bệnh da liễu thường gặp đều bị xem nhẹ. Dưới đây là 6 bệnh da liễu thường gặp ở người lớn và mức độ nguy hiểm nhất định cần phải lưu ý.
Các bệnh da liễu thường gặp ở người lớn dưới đây có thể bạn đã từng bắt gặp hay mắc phải. Đa số những bệnh da liễu thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu bạn xem nhẹ và không điều trị chúng đúng cách có thể gây lây lan, mạn tính thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh da liễu ở Việt Nam là do khí hậu nóng ẩm vào mùa hè, hanh khô vào mùa đông đều là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, khói bụi ô nhiễm và chưa chú trọng việc vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, khi chúng ta mệt mỏi, buồn phiền và stress kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây các bệnh da liễu.
6 bệnh da liễu thường gặp ở người lớn
1. Nấm da
Hình ảnh này là biểu hiện của bệnh nấm da.
Triệu chứng bệnh nấm da là vùng tổn thương có màu hồng đỏ, có vảy nhỏ trên bề mặt, mụn nước xung quanh bờ tổn thương và gây ngứa cho người bệnh. Khi những chủng nấm xâm nhập qua da thông qua các vết xước nhỏ, phát triển ở bên trong da và gây nên bệnh nấm da.
Khi bị nấm da, bạn có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da như econazole, oxiconazole,…kết hợp uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và vệ sinh cá nhân thường xuyên.
2. Bệnh Chàm
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Vân Anh (Nguyên Trưởng khoa Nội – Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ) cho biết, bệnh chàm có tên gọi khác như eczema. Đây là trạng thái viêm lớp thượng bì (lớp nông của da).
Các triệu chứng thường thấy của bệnh chàm đó là ngứa ngáy, khô da và nổi mụn nước trên vùng da bị bệnh. Vì bệnh này gây ngứa ngáy, khó chịu cho bệnh nhân nhưng nếu bệnh nhân càng gãi bệnh sẽ càng nặng, gây ra bội nhiễm cao và những thương tổn khó lành.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh nấm da là do trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường tiếp xúc với chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa bát,…và các công cụ hóa học có chứa hóa chất khác.
Khi bị bệnh, bệnh nhân nên kiên trì uống thuốc và bôi thuốc ngoài da theo chỉ định của bác sĩ đồng thời áp dụng áp dụng chế độ nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
3. Bệnh á sừng
Á sừng cũng là loại bệnh da liễu phổ biến ở nước ta. Nguyên nhân gây bệnh là do hằng ngày bạn phải tiếp xúc với chất tẩy rửa chứa nhiều hóa chất, găng tay cao su,…Biểu hiện bên ngoài của bệnh lí này là da bị thô ráp, nứt nẻ và bong vảy không hoàn toàn, gây đau đớn, chảy máu và khó khăn trong vận động cho bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể tham khảo các loại thuốc bôi bạt sừng như Axit Salixilic, Betnovate,…cùng kem chống khô da. Bệnh nhân tuyệt đối không nên bóc vảy da, chà sát mạnh vào vùng da bị tổn thương tránh tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
4. Bệnh hắc lào
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (nguyên Phó chủ tịch Hội Da liễu Tp.HCM) hắc lào, hay còn lại là lác, là bệnh ngoài da do nấm gây nên. Bệnh có xu hướng phát triển vào mùa hè, khi thời tiết nóng nực, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hắc lào là những mẩn đỏ có giới hạn rõ trên da và những mụn nước tập trung ở bờ tổn thương gây ngứa. Cơn ngứa xuất hiện cả ngày lẫn đêm, nhất là khi cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, trời nóng nực.
Nguyên nhân gây bệnh là do vệ sinh cá nhân kém, không thường xuyên tắm gội, nhất là khi cơ thể có nhiều mồ hôi. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này qua người khác qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ sinh hoạt,…
Đây là bệnh có khả năng tái phát cao và dễ lây lan.
Các thuốc điều trị bệnh hắc lào như dung dịch ASA (axit acetylsalicylic, natri salicylat), dung dịch cồn BSI (axit benzoic + axit salicylic + lod),…khi bệnh có dấu hiệu nặng. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc bôi ngoài da như Miconazal, Ketoconazol, Econazol,…Bên cạnh đó bệnh nhân cần phải diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, chăn, chiếu, gối,…để hạn chế tối đa bệnh hắc lào tái phát.
5. Bệnh vảy nến
Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương hằng năm, tỷ lệ bệnh nhân vảy nến chiếm khoảng 2,3% tổng số bệnh nhân đến khám.
Biểu hiện của bệnh lí này là những mảng da màu đỏ, bị bong tróc trên bề mặt với giới hạn rõ ràng. Chúng thường không gây ngứa nhưng đừng vì thế mà bạn xem nhẹ việc trị bệnh. Nếu để lâu không điều trị, bệnh sẽ để lại sẹo khi tổn thương vảy nến lan đến lớp hạ bì.
Bệnh vảy nến là bệnh da liễu thường xuất hiện ở cùi chỏ, móng, lông.
Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương, những vết xước nhẹ bị nhiễm trùng, thậm chí khi stress và buồn phiền cũng có thể gây ra bệnh vảy nến. Bệnh thường ít gặp vào mùa hè nhưng lại hay gặp và phát triển vào mùa đông khi thời tiết lạnh và khô.
Bệnh nhân có thể tham khảo một số loại thuốc bôi tại chỗ như Axit Salicylic, dẫn xuất Vitamin D3, Corticosteroid… Kết hợp ăn thêm những thức ăn dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh nhân cũng nên tránh làm tổn thương vùng da bị bệnh, không nên kì cọ, chà sát lên bề mặt da bị tổn thương, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Thông tin hữu ích: Bệnh vảy nến là gì? Nguyên nhân biểu hiện và cách điều trị
6. Bệnh Zona
Bệnh Zona, tên khoa học là Herpes Zoster, là di chứng của bệnh thủy đậu do cơ thể bị nhiễm virus da từ quá trình tái hoạt tính các virus trong cơ thể.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là sốt, nhức đầu, mệt mỏi toàn thân kèm theo những mụn nước nhỏ mọc mụn nước gây nhức, ngứa và bỏng rát. Bệnh lí này tuy là bệnh lành tính, có thể điều trị khỏi trong vài tuần nhưng di chứng đau sau Zona thường phải mất từ 2-6 tháng mới khỏi. Bệnh còn có thể lây lan sang người lành kể cả người chưa bị mắc bệnh thủy đậu trước đó.
Bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc kháng virus như Acyclovir, Valacycovir, Famicicovir,…kết hợp nghỉ ngơi đúng cách. Cách tốt nhất là nên nằm viện nếu phát hiện mình có những triệu chứng bị bệnh.
Ngoài 6 bệnh trên chúng ta cũng có thể mắc các bệnh da liễu khác như mụn nhọt, mề đay, ghẻ,…
Trên đây là một số các bệnh da liễu thường gặp ở người lớn phổ biến tại Việt Nam. Để phòng tránh các bệnh da liễu này, các bạn nên vệ sinh cá nhân thường xuyên và áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thích hợp. Khi có dấu hiệu một trong những bệnh trên, bạn nên đến các trung tâm y tế để khám và được điều trị sớm nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Notice: Undefined index: comment_author_numberphone in /home/camnangbenhdalieu.com/public_html/wp-content/themes/ipad/comments.php on line 72