Chuyên gia giải đáp: Chàm sữa có để lại sẹo không?
Con trai tôi được 8 tháng tuổi, thời gian gần đây trên má nổi những mẩn đỏ, có mụn nước nhỏ li ti trên bề mặt. Sau đó mụn nước vỡ ra, một thời gian sau thì đóng vảy khô, bong tróc da khiến bé gãi liên tục gây xước da, rướm máu. Tôi nghi ngờ bé bị chàm sữa và đang dùng một số thuốc bôi, nhưng rất muốn hỏi chàm sữa là gì? bệnh chàm sữa có để lại sẹo không? Có cách nào để điều trị dứt điểm hay không? Xin cảm ơn!
Hoài Phương ( 29 tuổi, Thanh Hóa)
>> Con bị chàm sữa mẹ kiêng ăn gì?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi về Cẩm nang bệnh da liễu, dưới đây là những thông tin mà bạn cần biết được chúng tôi tổng hợp từ các chuyên gia da liễu bạn có thể tham khảo!
Chàm sữa là gì?
Chàm sữa, hay còn gọi là lác sữa, là viêm da cơ địa giai đoạn đầu ở trẻ nhỏ, thường xuất hiện từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi cho đến khi 2 tuổi. Đây là bệnh da liễu mãn tính ở trẻ nhỏ, không lây lan nhưng khó điều trị dứt điểm và có thể tái phát nhiều lần.
Hình ảnh chàm sữa ở trẻ em
Theo ThS.BS Huỳnh Văn Bá (Trường Đại học Y dược Cần Thơ), nguyên nhân gây bệnh chàm sữa vẫn chưa được xác định một cách chắn chắn, tuy nhiên có khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc phải bệnh chàm sữa là do cha mẹ có bệnh hen suyễn, mề đay, cơ địa dễ dị ứng,…
Bệnh chàm sữa có để lại sẹo không?
Biểu hiện ban đầu của bệnh là vùng da đột nhiên xuất hiện những mảng hồng ban, có mụn nước, đóng tiết và bong tróc các lớp trắng như vảy. Các vị trí thường xuất hiện chàm sữa là mặt, hai bên má, tứ chi,… Bệnh gây ngứa ngáy khó chịu làm trẻ quấy khóc, bú kém, ngủ không ngon giấc. Trẻ nhỏ thường gãi không kiểm soát khi có hiện tượng ngứa nên mụn nước vỡ ra, da rớm máu thậm chí là chảy máu là điều không thể tránh khỏi.
Vì thế “chàm sữa có để lại sẹo không” là thắc mắc chung của rất nhiều phụ huynh có con nhỏ bị mắc phải căn bệnh này. Có thể nói bệnh có để lại sẹo hay không phụ thuộc nhiều vào quá trình điều trị bệnh cho trẻ. Thông thường, bệnh chàm sữa và các triệu chứng bệnh sẽ tự hết khi trẻ bước sang tuổi thứ 3. Như vậy, bạn có thể yên tâm là bệnh chàm sữa không để lại sẹo nếu bạn điều trị đúng cách.
Chàm sữa không để lại sẹo nếu được điều trị, chăm sóc đúng cách
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, phụ huynh dùng sai cách, không giữ vệ sinh tốt cho con điều này khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn, và dĩ nhiên khi da bị nhiễm trùng thì khả năng để lại sẹo trên da bé sẽ rất cao, ảnh hướng đến thẩm mỹ sau này của trẻ.
Làm thế nào để hạn chế nhất khả năng để lại sẹo của bệnh chàm sữa?
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Văn Bá, để điều trị tốt căn bệnh này, cha mẹ cần cắt đứt vòng luẩn quẩn ngứa – gãi – ngứa bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng phù hợp với mức độ tổn thương ở vùng da của bé theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Một lời khuyên cho các bậc cha mẹ là tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bôi cho trẻ vì có thể có những tác dụng phụ không mong muốn sẽ xảy ra trong lúc sử dụng thuốc. Không nên đắp lá, đắp thuốc theo những bài thuốc dân gian không có căn cứ vì có thể làm bệnh nặng hơn.
Để điều trị bệnh hiệu quả, trước hết cần lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với các dị nguyên có thể gây dị ứng, và không ăn các thực phẩm dễ bị dị ứng như đậu phộng, nhộng, hải sản, cà chua,…mà cần lưu ý có chế độ dinh dưỡng để bổ sung dưỡng chất và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Khi tắm cho trẻ, không nên tắm quá lâu trong nước có chứa xà phòng và nên tắm bằng nước ấm sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa do chàm sữa gây ra. Quần áo cho trẻ nên chọn chất liệu sợi tự nhiên, thoáng mát vì sợi hóa học dễ làm tổn thương làn da của bé.
Hạn chế cho trẻ gãi lên vùng da bị bệnh để vết thương không bị chảy máu và nhiễm trùng nặng hơn. Đồng thời giữ môi trường xung quanh thoáng mát, sạch sẽ, tránh các dị nguyên như lông động vật, bụi bặm,…
Bệnh chàm sữa dễ tái phát nhất trong điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột nên cha mẹ hạn chế việc cho con tiếp xúc với kiểu thời tiết này, đồng thời tránh để trẻ đổ nhiều mồ hôi.
Hy vọng với những thông tin vừa rồi đã giúp bạn giải đáp cho câu hỏi “chàm sữa có để lại sẹo không?” đồng thời giúp bạn trang bị những kiến thức bổ ích trong việc phòng, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bé thật tốt.
HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!