Các nhà nghiên cứu khoa học đang làm gì để “giải quyết” căn bệnh vảy nến?
Vảy nến là một căn bệnh da liễu phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây ra vảy nến chưa được xác định chính xác tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học đang miệt mài ngày đêm để làm sáng tỏ những vấn đề xung quanh căn bệnh này và tìm ra cách điều trị tận gốc, hoàn toàn.
>>> Tại sao mùa đông là “kẻ thù không đội trời chung” với người bị vảy nến?
>>> Tham khảo ngay những món ăn tốt cho người bị bệnh vảy nến vào mùa đông
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến còn mơ hồ, cũng chưa có phương pháp nào chữa khỏi dứt điểm và ngăn không cho bệnh tái phát.
Chính điều này đã thôi thúc các nhà khoa học, chuyên gia về Da liễu tiếp tục nghiên cứu những vấn đề xung quanh căn bệnh này.
Theo thông tin từ chuyên trang về sức khỏe Healthline, dưới đây là một số nghiên cứu đang được thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân và những giải pháp chữa trị bệnh vảy nến một cách tối ưu.
Khả năng đáp ứng miễn dịch
Vảy nến được xếp vào nhóm các bệnh tự miễn dịch. Thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể đảm nhiệm vai trò phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt các vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút… xâm nhập từ bên ngoài vào để gây bệnh.
Hệ miễn dịch là rào chắn bảo vệ bạn.
Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó, hệ miễn dịch gặp trục trặc, bị rối loạn và nhầm lẫn giữa tế bào nguy hại và tế bào khỏe mạnh, từ đó nó tiêu diệt ngay cả các tế bào tích cực, gây ra bệnh vảy nến.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm hiểu tại sao lại xuất hiện các bệnh tự miễn dịch. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp những thông tin thiết yếu về tình trạng tự miễn dịch, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Sự hình thành tế bào da
Khi bị vảy nến, các tế bào da liên tục được sản sinh hết lớp này tới lớp khác, chồng chất, dồn ứ lên nhau dẫn tới cả mảng da bị bệnh trở nên dày, cứng, thô, ráp. Chính sự rối loạn của hệ miễn dịch dẫn tới hiện tượng tế bào da được sản sinh rất nhanh.
Hiện tượng này xảy ra nhanh hơn so với bình thường, nhanh tới mức cơ thể không có thời gian để thực hiện quá trình loại bỏ các tế bào dư thừa, khiến sinh ra các mảng bám và vảy trên da.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những vấn đề xung quanh bệnh vảy nến.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nếu hiểu được cặn kẽ quá trình hình thành của tế bào da, chúng ta có thể can thiệp để làm gián đoạn, ngăn chặn sự mất kiểm soát khi tạo tế bào da nếu mắc bệnh vảy nến.
Liên quan tới hệ thần kinh
Khi bị vảy nến, bệnh nhân thường thấy các vết sưng, đỏ và các đốm, vảy trắng xuất hiện trên khu vực da bị bệnh. Đây cũng trở thành triệu chứng đặc trưng của căn bệnh da liễu này.
Ngoài ra còn có hiện tượng đau, ngứa ngáy, khó chịu. Các nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các hiện tượng kể trên, từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn các biểu hiện này.
Gen di truyền
Bệnh vảy nến phát sinh có yếu tố di truyền. Nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ của bạn mắc vảy nến thì nguy cơ bạn mắc căn bệnh này cao hơn so với những người khác không có cha mẹ bị bệnh.
Gen di truyền gây bệnh vảy nến?
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một số gen liên quan tới khả năng di truyền căn bệnh da liễu này. Căn cứ vào kết quả đạt được, chúng ta có thể xác định nguy cơ bị bệnh của một người theo tiền sử bệnh lý của gia đình hoặc ngăn chặn hoạt động của các gen này.
Biến chứng của bệnh vảy nến
Không dừng lại ở những triệu chứng vô cùng khó chịu, gây mất tự tin, mất thẩm mỹ mà bệnh vảy nến còn đe dọa gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Bệnh tim
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Huyết áp cao
- Viêm khớp
Những nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xác định mối liên quan của vảy nến với những căn bệnh này, từ đó tìm ra phương pháp ngăn chặn biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.
Dù những nghiên cứu này vẫn được tiến hành hàng ngày, hứa hẹn những phát hiện hữu ích nhưng kết quả không thể đạt được trong một sớm một chiều. Do đó, những người bệnh bị vảy nến hãy lạc quan, tự tin và tuân thủ theo các liệu pháp điều trị đã được đưa ra.
Kiều Hương (Theo Healthline)
Click đọc ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!