Hắc lào ở háng – Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh nhân bị hắc lào ở háng có thể tham khảo thông tin về bệnh một cách chi tiết nhất, tổng quát nhất về triệu chứng, nguyên nhân và các cách trị bệnh hắc lào ở háng dưới đây.

>>> Hắc lào ở mông – Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

>>> Bệnh hắc lào có nguy hiểm không? Bệnh hắc lào có lây không?

Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, nguyên Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM thì bệnh hắc lào hay còn được gọi là bệnh lác, bệnh do vi nấm Dermatophytes gây nên. Nấm này có 3 loại: Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum.

Nấm xuất hiện ở vùng nào thì được phân loại ở vùng đó chẳng hạn như: Nấm thân, nấm mặt, nấm chân…  trong đó nấm háng thường gặp nhất. Bởi đây là nơi tiết ra nhiều mồ hôi, khó khô thoáng, là điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển.

Bệnh hắc lào ở háng và những triệu chứng dễ nhận biết

Triệu chứng chung:

  • Vùng da bị hắc lào có những mẩn đỏ
  • Ngứa rát
  • Có thể đi kèm với các mụn nước nhỏ li ti.
  • Những tổn thương đó có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát (trớt, rớm mủ, đóng vảy tiết, sưng tấy…)

Cụ thể:

Ban đầu, nấm hắc lào là một đám viêm da nhỏ, đường kính 1-2cm. Khi quan sát kỹ thấy bờ viền có mụn nước, ở giữa đám có vảy mỏng, đám phát triển li tâm ra ngoại vi, nhiều đám liên kết với nhau thành những đám, mảng hình đa cung.

Bệnh nấm hắc lào thường gây ngứa, khó chịu nhất là khi ra mồ hôi nhiều.

Ngứa khiến bệnh nhân gãi gây viêm da, nhiễm khuẩn.

Trên thực tế thường gặp 3 thể nấm hắc lào gồm: thể giản đơn, thể viêm da nhiễm khuẩn, thể eczema hóa, nấm da mãn tính.

Bệnh nặng có thể gây viêm loét, gây nhiều đau đớn cho người bệnh hay bị viêm da thứ phát do gãi nhiều, chà xát hoặc bôi thuốc linh tinh. Trong trường hợp không điều trị kịp thời, bệnh sẽ lan ra các vị trí khác, tăng kích thước, chàm hóa.

Nguyên nhân bị hắc lào ở háng

Theo TS.BS Nguyễn Từ Đệ (Phó Chủ nhiệm Khoa Da liễu – Bệnh viện 103) cho biết, Việt Nam có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho các bệnh nấm da nói chung, trong đó bệnh hắc lào chiếm 10-12% bệnh ngoài da. Tác nhân nhiễm bệnh gồm:

  • Nhiễm bào tử nấm có trong thiên nhiên như đất, cát, cây cỏ mục, không khí.
  • Nhiễm nấm từ động vật nhiễm nấm lây truyền qua người như chó, mèo, trâu, bò, ngựa.
  • Từ người bị bệnh lây truyền cho người lành chủ yếu qua con đường ngủ chung, giặt quần áo chung.

Điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển như thời tiết, vùng da kín ẩm như háng, người có điều kiện vệ sinh kém, người có sức đề kháng kém…

Bệnh hắc lào là một bệnh da liễu phổ biến bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc phải, với hắc lào ở háng, trong đó có những nguyên nhân khó ngờ đến. Đọc thêm tại đây để biết thêm các nguyên nhân gây bệnh hắc lào.

Cách trị bệnh hắc lào ở háng

Bệnh nhân nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác nhất. Bệnh nhân sẽ được lấy bệnh phẩm bằng cách cạo nhẹ ở vùng da bị bệnh sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Bệnh phẩm này sẽ được đặt trong KOH hydroxit và quan sát bằng kính hiển vi. KOH sẽ phá hủy tế bào bình thường, còn với các tế bào nấm sẽ không bị ảnh hưởng.

Cách trị bệnh hắc lào ở háng thường phức tạp hơn so với các vùng da khác vì đây là vùng nhạy cảm, thường cọ xát với trang phục nên bệnh có nguy cơ nặng và khó điều trị.

Theo BS. Nguyễn Từ Đệ, điều trị nấm hắc lào ở háng cần lưu ý 3 nguyên tắc sau:

  • Thứ nhất, tuyệt đối không cào gãi, chà xát, bôi thuốc tùy ý gây hại da.
  • Thứ hai, về điều trị, cần phải bôi thuốc liên tục, bôi mỗi ngày. Thời gian tối thiểu từ 3 tuần trở lên.
  • Thứ ba, điều trị kết hợp vệ sinh phòng bệnh. Luôn giữ khô ráo, không lạm dụng xà phòng, không mặc quần chật, chất liệu vải cotton hút mồ hôi, không để ẩm ướt.

Về thuốc bôi tại chỗ có thể dùng những thuốc sau: Cồn ASA, BSI, mỡ ketoconazol, miconazol … bôi ngày 1-2 lần. Không nên bôi thuốc quá mạnh, bôi lan sang những vùng da lành, vùng da non bởi rất dễ gây tình trạng bỏng da. Trong một số ít trường hợp có thể gây nhiễm trùng.

Với những trường hợp diện rộng, nấm da mãn tính cần kết hợp với kháng sinh chống nấm đường uống. Có thể dùng một trong các thuốc sau: Griseofulvin, Nizoral, …tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ, chống chỉ định với các thuốc này. Tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, người già, người có chức năng gan thận. Người bị bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, bệnh dùng kháng sinh lâu dài nên chú ý khi dùng thuốc.

Theo bác sĩ Đệ, có thể dùng thuốc Đông y với nhiều cây thuốc như muồng trâu, riềng, thảo quyết minh, rễ cây kiến cò…Chế biến, có thể băm nhỏ hoặc giã ngâm với cồn 70 độ từ 10- 14 ngày có thể mang ra dùng.

Lưu ý, để phòng bệnh hắc lào ở háng

Trang sức khỏe HealthLine đưa ra lời khuyên như sau:

  1. Rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật
  2. Khử trùng vệ sinh khu vực sống bằng cách thay quần áo, chăn gối thường xuyên.
  3. Vệ sinh cá nhân, tắm gội sạch sẽ, giữ khô vùng háng, nách, bẹn thường xuyên. Không để bề mặt da ẩm ướt.
  4. Áo quần phải luôn khô ráo, chăn màn phải được giặt giũ.
  5. Khử trùng vật dụng cá nhân.
  6. Không dùng chung đồ với người khác nhằm tránh lây lan bệnh.

 Xem video Bác sĩ Nguyễn Từ Đệ chia sẻ về bệnh nấm hắc lào:

Bệnh hắc lào ở háng là bệnh ở vị trí nhạy cảm nên người bị bệnh thường có xu hướng tự điều trị bệnh tại nhà, tuy rằng bệnh có thể trị bằng phương pháp dân gian ngay tại nhà nhưng cần theo dõi kĩ tình trạng trong khi thực hiện các biện pháp đó. Nếu bệnh không có dấu hiệu suy giảm thì cần đến ngay bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh.

Đọc ngay: Cách trị hắc lào dân gian khỏi hẳn chỉ trong 10 ngày

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo